VẤN ĐỀ VIẾT CHỮ QUỐC NGỮ

 

Trong số báo thứ 28, chúng tôi có đăng bài của ông Phan Khôi bàn về sự viết quốc ngữ, trong đó có động tới hai vị lão nho và tiền bối trong báo giới ở Nam kỳ ta là ông Đặng Thúc Liêng và ông Nguyễn Chánh Sắt, nói rằng hai vị ấy viết quốc ngữ chính cái tên mình mà sai. Sau khi bài ấy ra, chúng tôi có gặp Nguyễn Chánh Sắt tiên sanh. Tiên sanh vẫn giữ thái độ hòa nhã và khiêm tốn như mọi ngày, chỉ cười và nói : “Ông Phan nhiều chuyện quá”. Trong trí của tiên sanh, chắc cũng cho lời ông Phan nói là phải.

Còn ông Đặng, thì có bài của công tử là Đặng Công Thắng gửi lại phản đối, chúng tôi theo lẽ công bằng, đăng ở dưới đây, cho rộng dư luận. Bài nầy tuy là công tử Đặng Công Thắng ký tên, nhưng có lẽ là bài của lão tiên sanh viết, mà Đặng công tử chỉ phụng sao mà thôi. Vì thường thấy lão tiên sanh xuất bản sách gì, đều có công tử phụng sao hay là phụng hiệu hết thảy.

Theo ý chúng tôi, và bao nhiêu các bực thức giả cũng vậy, thì chữ quốc ngữ của ta ngày nay tất phải chỉnh đốn làm sao cho nó thành ra một lối văn chương đúng đắn của mình, chớ không thể nói như ai, tưởng rằng chữ quốc ngữ không quan hệ gì, viết sao cho có vần có tiếng là đủ. Bởi vậy chúng tôi xin mở rộng cột báo của chúng tôi, đặng đón rước những ý kiến hay, hầu mong có bổ ích cho vấn đề quốc ngữ.

                                                                                            P.N.T.V.


 

VIẾT TÊN CỦA ÔNG ĐẶNG THÚC LIÊNG CẦN GÌ BỎ CHỮ G ?

Cùng ông Phan Khôi phúc biện(*)

Phan Khôi tiên sanh nhã giám :

Tiên sanh từ hồi vào Nam kỳ đến nay coi có ý muốn cải lương nhiều việc, nhứt là cách làm văn, cách viết chữ quốc ngữ ở Nam kỳ, v.v... Tôi thấy thế kính tiên sanh về mục đích ấy lắm ; nhưng kính bao nhiêu, sau khi đọc suốt các bài của tiên sanh càng buồn bấy nhiêu. Buồn cho tiên sanh nhiều cái thuyết cầu kỳ bất hiệp chân lý. Buồn thời buồn, chớ chẳng muốn cãi lẫy với tiên sanh làm gì những sự không đàm(*) vô bổ.

Chỉ vì mới rồi đây, trong Phụ nữ tân văn số 28, ngày 7 Novembre 1929, tiên sanh luận về chữ quốc ngữ có nhiều chỗ sai lầm ; lại đề cập nghiêm quân của tôi với ông Nguyễn Chánh Sắt để làm đại biểu cho sự lầm lộn ấy, v.v...

Ông Sắt, tiên sanh đã nhận ông là “một nhà làm báo tiền bối và nho học có tiếng ở xứ nầy”, có lẽ ông sẽ phúc biện với tiên sanh, như hơn mười mấy năm về trước ông dùng tờ Nông cổ mín đàm(**) mà phúc biện cùng Công luận báo(***) vậy. Còn phần tôi đây, thay mặt cho nghiêm quân của tôi đương lúc nầy tiêu diêu hòa dưỡng, không quan tâm gì đến sự đọc báo nữa, mà phúc biện với tiên sanh.

Tiên sanh nói ông cố đạo nào bày ra chữ quốc ngữ ? Tiên sanh chắc một mình ông ấy đem cả trí lực ra mà gầy dựng thứ chữ ấy không ? Vậy chớ hội Giám mục ở Quảng Trị bày ra chữ quốc ngữ lúc trước ở đâu ?

Tiên sanh nghĩ rằng tên của nghiêm quân của tôi viết ra chữ quốc ngữ phải bỏ chữ g mới trúng. Tiên sanh chưa rõ nguyên hủy nên nghị vậy ; nếu rõ lại thời phải phục ngay. Vì nghiêm quân của tôi muốn viết chữ tên ra chữ quốc ngữ, đương thời, 46 năm về trước, Việt - Pháp tự điển của ông Trương Vĩnh Ký chưa có, của ông Huỳnh Tịnh Trai mới ra đời, mà không có chữ đó, nên hỏi thăm Trương, Huỳnh các ngài quen nên mới chỉ cho viết chữ LIÊNG là noi theo thiêng liêng đã thành văn trong các sách Thiên Chúa giáo. Đến năm 1889 Việt – Pháp tự điển của ông Trương Vĩnh Ký xuất bản, ông Génibrel lại nối xuất bản Việt – Pháp quốc âm tự điển mới gia nhập chữ ấy vào, mà lại chia ra có g và không g. thật vậy, tiên sanh muốn coi tự điển cổ, khi nào rảnh đến thơ viện của tôi coi chơi.

Bây giờ tiên sanh cứ tự điển mà cắt nghĩa chữ Liêng là nôm và Liên là chữ. Xét lại, Vương là vua với vương vấn viết một chữ ; Quốc là nước với chim quốc cũng viết như nhau ; nôm chữ lẫn nhau, tự điển sao vậy cà ? Có sao đâu.

Vả lại, danh từ cốt để dễ bề xưng hô, nên cần có dấu đặc biệt một chút. Tiên sanh có thấy nhiều người Pháp, mỗi khi gặp tên mình trúng vào vật, họ sửa lại hoặc thêm k, c, q, v.v... hay không ? Sửa như thế rồi tiên sanh lấy tự điển nào mà cắt nghĩa ? Chữ In-gơ-li-sơ (English) và Phơ-răn-xê (Francais) là thông dụng  nhứt ở ngũ đại châu, đại-hàn-lâm-viện có, đại văn sĩ có. Cớ sao lại có những chữ (I) sloid, slew, practise, v.v... và (Ph) rumb, tortillart, touchau, muốn viết ra (I) sloyd, slue, practice, v.v.. và (Ph) rhumb, tortillard, toucheau cũng được vậy ?

Văn tự nào cũng vậy, khi thêm viết vầy, khi bớt viết khác, đều có duyên cớ. Ví như chữ KHÔI, quý danh, muốn thêm ở trên đầu một chữ   đầu        , bên tả chữ nhân đứng         , dưới đích chữ y rách         bỏ chữ đẩu         đi được. Hoặc bỏ chữ         mà thế chữ thôn       vào cũng được.

Còn quốc ngữ, chữ tàng tật, giùng mình, cằng rằng v.v... có g hay không g chẳng thất luật chi cả. Bất quá chia ra tiếng N. và T. mà thôi. Tiên sanh vẫn hay coi Việt - Pháp từ điển, nhắc lại e nhàm tai.

Tôi thường nghe, và có lúc thấy nghiêm quân của tôi dùng quốc văn làm sách mười bộ, và viết báo tám nhà. Ấn công(*) nhiều người thông Việt -Pháp từ điển mới, thường bỏ chữ g trong tên, mà nghiêm quân của tôi cười rồi sửa thêm vào. Ấy là tại ý nghiêm quân của tôi giữ theo lời của các bạn cố nhân, và lưu tình kỷ niệm, chớ chẳng phải lo chi sai với từ điển ngày nay mà phải sửa đi sửa lại cho mất công, rộn chuyện.

Ôi ! văn tự quốc ngữ ! quốc ngữ ! Mẹo luật không ai bày ! Hàn lâm viện đâu mà cứ bắt bẻ g hay là không g, c hay là t. Ngặt lắm, thôi bây giờ xin quý hồ viết cho thông nghĩa, đừng “đớt đát” như tiên sanh đã nói xót mà chính chỗ đó phải nói sót (Phần nhiều các ông làm báo thuở xưa là nhà nho còn sót lại...) phải không ? Còn nhiều chỗ tiên sanh đổ nùi, rối to, như là : “canh nông”, “kinh tế”, “khách trú”, “tuỳ theo”, “đương thời buổi nầy”, v.v... để vào Phụ nữ tân văn Thần chung đó (!). Tiên sanh có rõ là dùng quấy với chữ quốc ngữ của Nam kỳ chưa ? Quấy lắm.

Thần chung số 232, khoản thứ 7, có câu giải nghĩa Luận ngữ, tiên sanh nói : “Phàm Trì xin học cấy, ngài trả lời nói rằng : “Ta chẳng bằng kẻ làm vườn”. Luận ngữ nào mà tiên sanh cắt nghĩa đó ? Viết chữ “đúng” lắm, mà nghĩa không rành, “đúng” làm gì ? Rồi đây, học thuyết, thi thoại của tiên sanh còn nhiều chỗ phải để ý chỉnh chánh lại mới xong.(*)

Gấp lắm có một điều khuyên tiên sanh đừng vì thiếu bài đăng báo mà hối hả viết lún, viết ngan tàn ; phần nhiều ý tưởng loạn, như trong Phụ nữ tân văn số 28 nầy, kết luận của tiên sanh dạy phụ nữ rằng : “Các cô hãy học viết đúng trước đi đã, rồi các cô hẹn nhau rày về sau, hễ các cậu, cậu nào viết chữ quốc ngữ đúng thì các cô cho bưng trầu, rượu đến nhà ; còn không, thì đuổi họ đi cho rảnh. Thà ở góa cả đời, chớ đừng lấy anh chồng không biết viết !”

Thật khổ cho tiên sanh, cắc cớ bày cái cách kén chồng cho các cô sao mà “quê mùa” thái quá ! Hiện thì, các ông tấn sĩ, cử nhân, tú tài, từ nhỏ chí lớn, mấy lúc mảng lo học Pháp văn ; nào chắc có ai lo làm chi viết chữ quốc ngữ cho được chữ “đúng” của tiên sanh. Mà các cô thiếu ngại hoài xuân, có lựa tài hoa nào cho bằng tài hoa của mấy trang thanh niên tân học ở nơi “khoa mục” xuất thân đó ? Tình thế tất nhiên, chớ có lẽ nào đi kén chồng chỉ có một cái văn bằng quốc ngữ mà thôi ? Tiên sanh dạy nữa thôi ? Ai nghe lời thêm hại !

Rồi hết, tôi tặng tiên sanh : “Khả lân lao tác khách, thả mạc háo vi sư !”

ĐẶNG CÔNG THẮNG

 con ông ĐẶNG THÚC LIÊNG

Phụ nữ tân văn, Sài gòn, s.30 (28.11.1929)


 


(*)  Bài này in vào sưu tập này như một phụ lục (NBS).

(*)  không đàm : nói chuyện bông lông (theo Đào Duy Anh, Sđd.)

(**)  Nông cổ mín đàm : tuần báo ra ngày thứ năm tại Sài Gòn từ 1901 đến 1924.

(***)  Công luận báo : báo ra 2 kỳ / tuần tại Sài Gòn từ 1916 đến 1939.

(*)Ấn công : thợ nhà in.

(* ) Ở đây họ Đặng muốn nói tới loạt bài Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta của P.K. đăng Thần chung trong đề mục “Học thuyết” và loạt bài P.K. viết về thơ đăng nhiều báo khác nhau trong đề mục Nam âm thi thoại.

© Copyright Lại Nguyên Ân 2006